Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, Nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về.
Tuy nhiên, Nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Mẫu Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, Thiên Hậu vốn là người khó tính, dù thương con nhưng cũng hay ca cẩm trách mắng nàng. Bị mắng mãi nàng đâm ra tự ái, nằng nặc đòi xuống trần gian làm dân thường, để chứng minh rằng khả năng của nàng không thua chị kém em. Cũng vì muốn cho con mình trưởng thành, Ngọc Hoàng và Mẫu Hậu đồng ý giáng con xuống trần làm thứ dân một thời gian, coi như một khóa học rèn luyện bản thân.
Nàng Bân vốn xinh xắn mũm mĩm, tuy có chậm chạp vụng về nên khi xuống trần vẫn được một vài thanh niên trong làng để mắt đến. Thế là nàng quyết định lấy đại một tấm chồng để chứng minh cho Mẫu Hậu biết rằng nàng cũng không hề kém cỏi như Mẫu Hậu nghĩ. Lấy chồng được mấy hôm nàng mới chợt nhận ra rằng có chồng cũng thật thích…nên nàng yêu chồng lắm, thỉnh thoảng mới nhớ đến Thiên Đình, lúc đó nàng còn lẩm bẩm một mình: “Biết sướng thế này thì mình lấy chồng trước cả…Mẫu Hậu”.
Mùa đông giá rét đã đến, nàng thương chồng rét mướt nên quyết định may (đan) cho chồng một tấm áo ấm. Những nàng vụng về quá, khi trời bắt đầu rét thì Nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may xong được đôi cổ tay. Nên mới có câu:
“Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới trọn cổ tay”.
Nhưng Nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Chồng nàng rất bực mình về sự vụng về của vợ còn Nàng Bân thì buồn lắm.
Ngọc Hoàng từ lúc giáng con gái xuống trần, Ngài vẫn âm thầm dõi theo. Biết chuyện, Ngọc Hoàng thương con gái lắm, bèn sai sứ giả nhà Trời xuống mật báo cho nàng rằng sắp tới Trời sẽ cho rét thêm đợt nữa, để cho nàng được thấy chồng mặc áo do chính tay mình may. Nàng mừng như vừa lấy thêm được chồng nữa…, nàng liền nói với chồng rằng trời sẽ còn rét tiếp, rồi chồng sẽ phải dùng đến áo của nàng, để rồi đừng có mà coi thường nàng. Vốn không biết vợ là con giời nên anh chồng chả tin, cho rằng vợ bị hâm, nói nhảm. Vì có khi nào trời rét sang tận tháng ba đâu? Nàng ra sức cảnh báo sắp rét, nhưng chàng cứ không tin…, Bất quá, nàng thách: “Vậy nếu ngày mai trời trở rét thì chàng tính sao với thiếp?”. Bởi không tin nên chàng nói đại cho bõ ghét: Thì tôi sẽ tự nguyện hầu hạ cô một ngày, sẽ mua tặng lại cô cái áo hoặc cái gì cô thích, tôi sẽ tặng cả hoa cho cô, nói với cô những lời ngon ngọt và tôn cô lên một tầm cao mới, như thế được chưa??
Nào ngờ, hôm sau trời trở rét thật. Thế là người chồng lỡ hứa rồi nên phải nghiêm túc thực hiện. Nguyên một ngày hôm đó người chồng phải hì hục đi chợ nấu cơm, rồi rửa bát quét nhà, giặt quần áo. Đã vậy, chàng còn bị vợ đòi tặng hoa, tặng quà, phải chúc lời hay ý đẹp. Chưa hết, đến cuối ngày, dù đã mệt lử nhưng chàng vẫn phải chiều nàng đến nơi đến chốn. Hôm đó là ngày 8/3, cái ngày mà chàng nhớ đến già...
Kể từ đó, hàng năm cứ đến độ tháng ba, trời đang nắng ấm bỗng nhiên chuyển sang rét vài hôm, rất vô duyên. Đó là đợt rét thêm, đợt rét cuối mùa mà người đời gọi là rét Nàng Bân. "Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét Nàng Bân".
Và cũng kể từ đó, tháng 3 hàng năm, cứ vào ngày mùng 8, tất cả đàn ông lại dành trọn một ngày để tôn vinh, để ghi nhận công lao của phụ nữ theo đúng cách mà chồng Nàng Bân đã làm.
Và cứ mỗi dịp 8-3 về, cánh đàn ông lại ngồi nhắc nhau về chuyện chồng Nàng Bân để coi đó như một lẽ sống: Để được vợ đan cho một cái áo ấm thì cũng phải cắn răng chịu rét chờ đợi đến hết mùa đông, áo vợ tặng chỉ mặc được một lần nhưng phải trả một cái giá quá đắt, và quan trọng là "đừng bao giờ hứa gì với vợ".
Sưu tầm
Hãy cùng Like và Share để cập nhật những tin tức thú vị nhé!
Gửi bình luận của bạn